Mộ phần và con cháu Ông Ích Khiêm

Ông Ích Khiêm mất, con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa cha về mai táng ở làng Phong Lệ. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938) thi hài ông được cải táng về Gò Mô (Đà Nẵng). Ngôi mộ ông được xây theo hình bát giác, phía trước có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch, cao 0,83m, rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá.

Bia ghi:

Hoàng Triều-Hiển tổ Binh bộ tả thị lang, tấn phong Kiên Trung Nam linh mộ.Bảo Đại thập tam niên, tứ nguyệt, kiết nhật.Dịch nghĩa:Triều Nguyễn-ông cha chức là Tả thị lang Binh bộ, tước là Kiên Trung Nam.Năm Bảo Đại thứ 13, tháng 4 ngày tốt.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia vào ngày 12 tháng 7 năm 2001.[24]

Các con ông là Ông Ích Hoắc, Ông Tán Nhì đều là nghĩa quân kháng Pháp dưới sự lãnh đạo Nguyễn Duy Hiệu. Cháu ông là Ông Ích Đường (1884-1908) cũng là một liệt sĩ chống Pháp thời cận đại.